5 Lý do khiến bạn nên chọn túi vải thay túi nilon

Quan niệm nhanh – gọn – nhẹ, tiện – rẻ – khỏe, từ lâu đã in sâu vào tiềm thức của người Việt. Chính bởi quan niệm đó mà túi vải dường như là một thứ gì đó vô cùng xa lạ dù có lịch sử xuất hiện lâu đời; túi nilon lại trở thành vật bất ly thân trong cuộc sống. Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu có một loại túi nào có thể thay thế được túi nilon, giúp bảo vệ môi trường ? chúng ta điểm qua 5 lý do nên chọn túi vải thay túi nilon nhé !

1. Thân thiện môi trường

Không khó để tất cả mọi người đều biết túi nilon được tạo thành từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu vẫn được sản xuất từ hạt nhựa polyetilen và polypropilen có nguồn gốc từ dầu mỏ cùng với một số hóa chất phụ gia. Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường gần đây nhất, bình quân một hộ gia đình sử dụng hơn 200 túi nilon/ tháng, tương đương hơn 1kg/hộ/tháng. Trong khi đó, nếu sử dụng túi vải, con số là vô cùng nhỏ. Túi vải được tạo thành chủ yếu từ sợi tự nhiên hoặc sợi đay, vải, có độ bền cao và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, phải mất 200-500 năm để một chiếc túi nilon có thể phân hủy được trong môi trường tự nhiên, lại gây ra những hệ quả không nhỏ làm mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường. Túi vải không như thế, từ nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường, khả năng tái sử dụng cao và bền là một ưu điểm tích cực trong công cuộc giữ gìn hệ sinh thái.

2. Phụ kiện thời trang mang tính thẩm mỹ

Về phương diện thời trang, túi vải hoàn toàn đã trở thành một phụ kiện gần gũi, một item phổ biến với giới trẻ hiện nay. Phong trào mix đồ với các loại túi vải trơn, in hình hay họa tiết đã có từ rất lâu về trước và được du nhập rộng rãi vào Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Không khó để bạn ra đường và bắt gặp những chiếc túi vải trên vai các cô cậu học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng yêu thích phong cách Hàn Quốc năng động, trẻ trung.

3. Giá cả và chất lượng

Một chiếc túi nilon có giá vô cùng rẻ, nhiều loại còn có giá chưa đến 200 đồng/ chiếc, trong khi đó túi vải có giá cao hơn. Tuy nhiên, ít có người nào tái sử dụng túi nilon quá 3 lần, trong khi đó túi vải có độ bền cao, đẹp, có thể giặt sạch, tuổi thọ trung bình trên 6 tháng. Đặt lên bàn cân hai chiếc túi, một bên giá rẻ nhưng giá trị sử dụng lại không cao trong khi một bên lại có thể dùng rất nhiều lần, nhiều dịp, phù hợp nhiều hoàn cảnh thì tất cả chúng ta đều có thể có câu trả lời “tưởng đắt nhưng lại không hề đắt – tưởng rẻ nhưng lại không hề rẻ”.

4. Phù hợp mọi lứa tuổi

Nhìn sang người hàng xóm là Nhật Bản, không khó để ta bắt gặp túi vải xuất hiện khắp mọi nơi, mọi người. Từ cô – cậu bé học sinh đi mẫu giáo, đến nhân viên văn phòng, các tập đoàn hay các bậc cao tuổi. Văn hóa sử dụng túi vải được các nước phương tây, các quốc gia phát triển ứng dụng từ rất nhiều năm trước và tạo thành một thói quen tốt, lối sống văn minh.

5. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Thời đại 4.0, mọi thông tin về môi trường, tình hình tăng trưởng và tốc độ phát triển kinh tế được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặt lên bàn cân túi vải và túi nilon, chúng ta dễ dàng nhận thấy nếu tổng số lượng túi nilon được sản xuất, sử dụng và thải ra môi trường cao, kéo theo hệ lụy môi trường suy thoái, dẫn đến ô nhiễm gia tăng và nền kinh tế thụt giảm do mất thêm một khoản phí không nhỏ vào đầu tư cải tạo môi trường và xử lý rác thải. Qua đó, chúng ta cần chung tay “ Giảm túi nilon – bảo vệ tài chính và nền tảng phát triển đất nước ”.